Ở các ấn phẩm trước, nhiều tác giả đã viết về cá lia thia nên bài viết này chỉ đi sâu vào cách nuôi dưỡng và bí quyết để tạo nên những chú cá lia thia xuất sắc nhất trong các cuộc thi đấu tổ chức định kỳ tại nhiều địa phương.
Muốn tạo thành một giống cá lia thia đá có đẳng cấp, từ khâu nuôi cá con mới nở đến khi ra đấu trường là cả một công trình lâu dài và rất nhiêu khê mà khâu nào cũng vô cùng quan trọng.
NUÔI DƯỠNG
Thức ăn của cá lia thia đá: Cá lia thia đá là loại cá được thuần hóa từ rất lâu ở vùng khí hậu nhiệt đới. Riêng ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Nam Bộ, chúng đã đem lại lợi ích về lợi nhuận và cải tạo môi trường rất to lớn vì thức ăn của cá lia thia đá là lăng quăng (bọ gậy) và trứng nước (bo bo), trong đó lăng quăng là nguồn gốc gây nên căn bệnh nguy hiểm là sốt xuất huyết gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Vệ sinh thức ăn: Lăng quăng là thức ăn chính của cá lia thia đá, mà loại sinh vật này sinh sôi nảy nở từ những nơi ao tù, nước đọng dơ bẩn nên trước khi cho ăn cần phải làm vệ sinh qua nhiều gia đoạn:
- Khi vớt lăng quăng về nhà, đầu tiên dùng một cái rổ để lượm rác và tạp chất cho sạch. Kế đó, dùng rổ thứ hai dày hơn để gạn lại các lăng quăng đầu bự.
- Dùng một vợt lớn bằng vải thưa lọc tất cả lăng quăng vào cho chảy hết nước. Sau đó, đổ vào thau lớn có pha sẵn nước muối loãng và ngâm lăng quăng khoảng 10-15 phút. Để sẵn ba chậu có sẵn nước muối, lần lượt dùng ba loại vợt bằng vải mùng có độ thưa khác nhau. Lượt đầu tiên dùng vợt có độ thưa lớn dành cho cá trưởng thành. Lượt thứ hai lấy loại vợt có độ thưa trung bình dành cho cá 3-4 tháng tuổi. Lượt thứ ba dùng loại vợt nhỏ để vớt lăng quăng nhuyễn dành cho cá nhỏ.
Lưu ý: Lăng quăng cho cá đá phải được ngâm muối và dùng lông gà thấm lăng quăng tuần tự thả vô keo (lọ) cho cá ăn với số lượng vừa phải.
Để tuyển chọn các dòng cá đá có độ cắn đặc thù, người nuôi phải phân tích các thế cắn của cá lia thia đá vì đó là căn bản có tính quyết định các trận đấu thuộc hàng cao cấp.
PHÂN TÍCH CÁC THẾ ĐÁ
Cắn mép
Trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lứa cá lọc ra, nếu được một ổ cá chuyên cắn mép nhất định chúng ta đã nắm được năm mươi phần thắng. Lý do là sau khi thả cá vô keo đá, độ 5-10 phút mà cá của ta cắn trúng mép đối thủ thì càng thi đấu lâu đối thủ đã bị cắn tét mép (coi như bị tước vũ khí) thì có răng cũng như không. Mép miệng đã bị thương thì chẳng thể nào cắn phá, tung đòn ra được. Những con cá xuất sắc thì sau khi khóa mép xong sẽ quay trở xuống cắn đuôi đối thủ thì thắng rất mau.
Cắn mắt
Cắn mắt cũng là một chiêu của cá đá. Một số con có những độc chiêu chuyên cắn vào mắt đối thủ. Tuy nhiên, đòn cắn này còn bị hạn chế bởi những đối thủ sử dụng đòn quất. Đòn quất có nghĩa là chờ đối thủ đeo theo vừa tầm, chưa kịp cắn mắt thì đã quay lại thật nhanh cắn vào mép, vây bơi hoặc bụng đối thủ. Chỉ những con cá nào có nước lội nhanh mới tránh được đòn phản công.
Cắn bụng
Thông thường cá cắn bụng có nhiều đòn thế để tung đòn hơn. Nếu cá lội phía sau đối thủ thì sẽ xộc tới tung đòn cắn vào bụng hoặc vây bơi. Còn nếu cá đang lội phía trước mà đối thủ đeo theo sau thì bất thình lình cá quay ngược trở lại quất chính xác vào bụng. Trước đây có một lứa cá quay đầu cắn mép rất chính xác nên được đặt tên là hồi mã thương.
Cắn hậu (cắn đuôi)
Cá chuyên dùng chiêu cắn hậu thường hay ra đòn trước vì đuôi cá là mục tiêu lớn. Tuy nhiên trong tình thế hai con cá đang so kè để tung chiêu thì cá cắn hậu thỉnh thoảng tung ra những đòn cắn như mép, vây bơi hoặc bụng. Càng đá lâu, cá cắn hậu nếu ra đòn quyết liệt thì sẽ phá tan nhiều phần của đuôi đến tróc vảy, chảy máu thì đối thủ phải bơi chậm lại, mất thăng bằng không còn đủ sức tránh né. Đến lúc này cá cắn hậu mới tấn công vào mắt và kết thúc trận đấu.
Trên đây là các thế cắn căn bản của cá lia thia đá. Dựa theo sở trường của từng con cá mà chủ cá, qua phân tích cặn kẽ, có thể ráp một cặp trống mái để ép ra bầy con. Tuy nhiên, việc thắng bại của cá lia thia còn phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật của người nuôi. Không phải có trong tay con cá hay nào cũng sẽ thắng, mà quan trọng nhất là kỹ thuật nuôi cá trống từ khi lứa cá tách bầy đến khi bước ra trường đấu. Chúng tôi sẽ đề cập trong các phần tiếp theo từ đứng chai, xuống hũ, theo dõi độ sung mãn đến độ cao nhất.
Phải nói rằng, để có một lứa cá vô địch, người nuôi cá phải mất bao nhiêu công sức chắt lọc để làm nền tảng cho sự thành công: tạo ra một bầy cá mái căn bản mà dân nuôi cá lia thia đá gọi là MÁI GỐC.
(Hết kỳ 1… Còn kỳ 2)
Ảnh scan bản gốc: