KỲ 2: KỸ THUẬT NUÔI CÁ MÁI GỐC HẬU BỊ

1. Tuyển cá

Mái gốc được tuyển chọn từ một ổ cá hay nhất của một lò nuôi cá có quy mô từ 30 đến 100 hồ xây. Tuy nhiên,  nếu có đất vườn rộng có thể đào từng hẩm nhỏ ngang 1 mét, sâu 1,5 mét. Loại hầm này nếu nuôi halfmoon rất hiệu quả vì hầm đất gần với thiên nhiên, có hơi đất và độ sâu nước nên con cá có bộ vây phát triển tối đa, còn cá đá thì vượt trội hẳn về nước lội. Dù vậy, trong ưu điểm cũng có khuyết điểm vì nuôi cá hầm đất, bộ vi vảy mềm hơn, nên có nhiều lò cá áp dụng phương pháp nuôi cá con ở hầm đất, sau 3 tháng vớt lên, mỗi hầm một cặp cá trống nuôi đứng chai, vài ngày đem xổ với các ổ khác, để chọn những ổ cá có răng cao, nước lội tốt, chịu đòn bền, đem vào hồ xây nuôi tiếp 4-5 tháng nữa. Còn những ổ cá nào không đạt tiêu chuẩn thì bán cho các chỗ bán cá kiểng hoặc bán cho trẻ em chơi trong dịp hè.

2. Tuyển cá mái gốc, cá mái đẻ

Khi tuyển các ổ cá đá, ta phân loại các hệ đòn của từng ổ cá: cắn thượng, cắn trung, cắn hạ để sẵn sàng tuyển mái gốc. Khi cá trống “ra trường” đã có thành tích, ta giữ lại cá mái để sau này nuôi ép cá đẻ, thường chỉ để lại 3 ổ của 3 hệ xuất sắc nhất.

Nuôi cá đẻ, phải nói đây là bí quyết cực kỳ quan trọng, làm nền tảng cho các ổ cá nổi tiếng vô địch. Bí quyết này được các chủ nuôi cá giấu rất kỹ, nhưng nhờ tiếp xúc được với nhiều chủ nuôi cá hay trong suốt 20 năm đam mê thú chơi này ở An Phú Đông và Gò Vấp mà tôi mới được biết.

Con cá mái gốc để sản sinh ra bầy cá có đẳng cấp cao trong thi đấu, phải là con cá cùng bầy với các ổ cá vô địch, nhưng phải hội tụ thêm: độ bền chị thương, nước lội vượt trội, đòn cắn kỳ quyết, răng cao và nhất là vi vảy phải cứng, mà bí quyết ở đây là cá mẹ phải đạt độ tuổi 12-15 tháng. Cách nuôi rất đơn giản: trong bầy cá mái của ổ cá vô địch, hoặc ổ cá đã khẳng định đẳng cấp, không phải con mái nào cũng đem ép được. Thường khi phá bầy, người nuôi tuyển chọn cá bầy cá mái phải là con cân xứng thể hình, loại bỏ những con đẹt hoặc quá lớn. Sau đó bỏ chung với ổ cá non đã tuyển chọn 3-4 tháng tuổi và nuôi tiếp trong ổ này đến khi phá bầy, lại tiếp tục thả nuôi trong một ổ cá non nữa cho đến khi ổ này phá bầy. Như vậy, lúc tuyển cá mái hậu bị từ ổ cá vô địch (cá mái lúc đó độ 8 tháng tuổi), thả nuôi thêm 2 lần vào 2 ổ non khác thêm 6-7 tháng nữa thì cá mái lúc này đã 14-15 tháng tuổi.

Lấy ví dụ để so sánh: cùng một con mái của ổ cá hay đó, nếu đem kê trống ép liền thì mái mới chỉ 8 tháng tuổi, nhưng nuôi tiếp trong 2 ổ cá non thêm 8 tháng nữa thì cá mái này sẽ có vi vảy cứng hơn, bộ trứng già hơn, đến khi đẻ bầy con của nó mặc nhiên phải cứng hơn. Đến khi 7-8 tháng ra trường, hai đẳng cấp cao thấp khác nhau đã thấy rõ.

Còn đây là một thực tế mà dân chơi cá đá ở miền Tây là nơi sông nước quê hương của loài cá từ bao đời nay: ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có ổ cá vô địch. Nếu muốn có cá hay thi đấu thì phải đến An Phú Đông hoặc Gò Vấp, mua lại cá trống và nài thêm cá mái về ép, nhưng có hay thì chỉ hay ở địa phương một thời gian ngắn, sau đó bị cá Sài Gòn hạ bệ. Sở dĩ ở miền Tây không có cá hay vì họ quan niệm nếu nuôi lâu cá mái sẽ lớn hơn cá trống, mái nuôi lâu thì già sụ, không thể ép được, hoặc cá mái già đẻ con không tốt. Đây là một sai lầm, cá mái khi đã tách riêng như cá trống, cho đứng chai kè trống thì phải ép liền, vì sự kích dục khi kè trống, bộ trứng phát triển, không thể để lâu được, nếu không thả ép buồng trứng phát triển không thể để lâu được, để lâu cá mái sẽ chết. Ngược lại, ta sang bầy cá mái này nuôi chung với bầy cá non thì cá sống vài ba năm là thường. Những bầy cá vô địch nổi danh xưa như Thiết Kỵ, Sầm Hưng, Thiết Giáp nhờ vi vảy cứng mà ít có cá nào phá tan được. Đó là những bầy con của cá mẹ gốc đã 15 tháng tuổi, còn cá trống cũng có thể sống trên 1 năm, càng lâu da vảy càng cứng. Dân cá chắc vẫn chưa quên bầy cá của anh Hai Liễu tài xế, vì bận làm ăn nên đã để quên ổ cá hơn 1 năm tuổi, đến khi tách bầy, nuôi riêng, đem ra đá ở các trường đã vô địch mấy tháng liền, thậm chí có con ăn 2-3 độ.

Qua tuần tự nêu trên, nếu nuôi cá mái như vậy thì qua vài thế hệ, chúng ta sẽ có một giống mái gốc thượng thặng.

NUÔI CÁ TRỐNG

Muốn tạo được một ổ cá có đẳng cấp cao thì phần nuôi cá trống cũng không phải dễ, vì không khéo chúng ta chỉ sản sinh ra ổ cá ít con, mà dù nuôi lớn cũng chẳng đá lại cá khác. Nuôi cá đá phải bắt đầu từ khâu tuyển chọn trống mái, hay kè ép đến khi cá nở ra, qua nhiều giai đoạn xổ loại trừ, cuối cùng chỉ còn lại phân nửa là cá chiến, số còn lại nuôi bán cá chơi, cá kiểng. Vì vậy, ta phải áp dụng các phương pháp sau đây:

1. Chăm sóc cá mơ

Cá mơ là cá vừa mới nở ra đến 3 tháng tuổi, hay còn gọi là cá non. Từ lúc cặp cá ép xong, vớt cá mái ra thì 5 ngày sau đã thấy có cá con. Ta không nên dòm ngó vào ổ cá, vì như vậy cá trống sẽ quẫy nước làm trứng rời khỏi bọt, cá cha hớp trứng phun vào bọt không kịp, giai đoạn đầu sẽ hao hết một số trứng. Cách một tuần lễ sau mới cho ăn, vì cá non có thể sống một tuần lễ đầu mà không cần ăn. Sau 1 tuần trở đi, ta cho cá ăn bo bo (trứng nước). Khi cho ăn phải cẩn thận, dùng cọng lông gà thấm bo bo nhúng từ từ vào ổ cá. Tránh khuấy động nước. Từ ngày thứ 10 trở đi cho ăn nhiều hơn, đến khi bằng hột gạo, cho ăn ngày 2 lần để cá mau lớn. Từ 30 ngày trở đi, cho ăn kèm lăng quăng tán nhuyễn mà ta lọc ra. Thời gian này, tùy theo số lượng cá con, buổi chiều cho ăn thêm một đợt nữa. Từ 60 ngày tuổi trở đi, cho ăn thúc càng nhiều càng tốt, vì lúc này cá đã có màu, đang thời kỳ phát triển. Qua tháng thứ 3, cá đã phân biệt được trống mái, ta lựa mỗi ổ 2 con trội nhất cho đứng chai kè bóng cho xung. Dùng bìa cứng chặn keo cá, nhưng để cá mau xung, mỗi bìa chặn khoét một lỗ ở giữa để lúc nào cá cũng thoáng thấy bóng cá lạ nên phùng mang suốt ngày và muốn cắn vào chai cũng không được. Vì tập tính của cá đá là phải kè nhau, quạt đuôi mới trở đòn cắn, khi đã quạt đuôi thì đầu cá khuất khỏi lỗ trống nên phải quay lại, như vậy cá non sẽ phải giương kỳ vi suốt ngày. Sau 3 ngày đứng chai, hình thể con cá căng thẳng coi rất đẹp. Lúc này ta sắp xếp thứ tự 2 con ổ số 1 xổ với 1 con ổ 2, 1 con ổ 3, đủ chu kỳ số lượng cá các ổ nuôi. Tùy theo sốlượng hồ ép, ta có càng nhiều ổ cá non ở cùng lứa tuổi thì xác suất tuyển chọn càng cao. Sau đó, làm dấu những ổ cá răng bén, đòn cắn lẹ và mạnh, nhưng quan trọng là lưu ý chọn những ổ cá lỳ đòn, thi đấu không chạy sảng làm tiêu chuẩn hàng đầu. Đó là tiêu chuẩn để nuôi cá đá, còn các ổ khác nuôi thúc cho mau lớn để bán cho trẻ em chơi.

2. Nuôi cá đá trừ bị

Từ tháng thứ tư, số ổ cá tuyển chọn chỉ còn dưới phân nửa, loại cá này chỉ cho ăn 2 ngày 1 lần để kìm hãm không cho mập. Sở dĩ đặt ra tiêu chuẩn cá trừ bị trong khi ta tuyển chọn từ những ổ cá hay nhất, vì ổ cá ta ứng ý nhất, đôi lúc ra trường thi đấu “kỵ rơ” với các đấu thủ khác. Ví dụ cá nhà chuyên cắn mép gặp những đấu thủ khác chỉ quay đầu cắn hậu thì ta cầm con cá hay cũng sẽ mất thế cắn. Cũng như, đến tuổi trưởng thành, có ổ quá xung “nổi” lên sớm hơn dự định, ta theo dõi dưới bầy coi ổ nào xung hơn, đậm màu hơn, ta phá bầy sớm, bắt cá trống ra hũ riêng cho ra trường thi đấu trước, số còn lại làm trừ bị, hoặc ổ cá ra trường thi đấu “kỵ rơ”, ta nên chờ thời gian sau mới ra trường. Vì vậy, các lò nuôi cá đá phải có ít nhất 200 hũ để ra riêng cùng hàng trăm keo nuôi cá đá mới đủ tiêu chuẩn. Vậy mà nhiều khi vào mùa mưa, cá xung lên bắt cặp cắn nhau rách te tua dưới hồ, phải tách bầy nuôi riêng mỗi con một hũ cho đến khi lành lặn mới lên keo nuôi theo tiêu chuẩn cá đá độ.

(Hết kỳ 2… Còn kỳ 3)

 

Ảnh scan bản gốc: