KỲ 3: NUÔI CÁ ĐÁ ĐỘ

1. Tách bầy

Cá đá độ phải nuôi trong ổ tới 7-8 tháng tuổi mới tách bầy, phải nuôi ở trại (hay khu vực nhỏ) có mái che bằng lá, đủ ánh sáng thiên nhiên, bố trí hũ trong một góc riêng cho từng ổ cá, đồng thời có khu vực riêng cho cá ra đấu trường. Có thể sắp chồng lên nhiều tầng, nhưng phải đánh dấu mỗi ô để không bị lộn… Ngoài ra, phải có góc riêng nuôi cá ăn độ để chuẩn bị làm trống ép với mái gốc sau này.

Tất nhiên, phải có 2 dàn kệ sắp keo cá. Mỗi kệ đóng 3-4 tầng, bố trí  nơi có ánh sáng gần nhà ở để tiện việc theo dõi, chăm sóc thường xuyên.

2. Lên keo, xuống hũ

Nuôi cá độ thì nước là khâu quan trọng. Vì vậy, ở trại tách riêng lúc nào cũng phải có một lu nước máy pha muối loãng có nắp đậy và để lắng từ 3 ngày trở lên. Không nên dùng nước mưa vì nước mưa có thể làm cá bị sâu kỳ vây. Cá tách bầy vốn đá bị rách kỳ vây nên dễ bị nhiễm trùng. Sau đó, tùy theo con cá nào bị rách kỳ vây ít, ta để vào hàng hũ trên, rách kỳ vây nhiều ta để ở hàng hũ dưới. Trung bình cá mới nuôi riêng để nằm hũ 7 ngày, cá lành vớt lên cho đứng chai trước, mỗi chu kỳ nuôi cá độ phải đứng chai 3 ngày, xuống hũ 3 ngày, 3 lần liên tiếp (tất cả là 18 ngày). Suốt thời gian này, thường xuyên giở bìa chặn cho tất cả dãy cá trên keo phùng mang cự lộn cho hăng khoảng 5-10 phút gọi là đá bóng. Lưu ý nếu giở bìa ngăn keo đá ra mà cá quá hăng cắn vào keo thì phải chặn bìa lại ngay. Khi cá đá độ đã nuôi đủ 3 kỳ chai, hũ mà ra trường chưa “đụng” thì về nhà cho nằm hũ 2 ngày, 1 ngày đứng chai để cá không bị cũ. Cho ăn ngày 1 bữa, mỗi lần 15-20 con lăng quăng. Số lượng này là căn bản cố định dù khi đứng chai hay xuống hũ. Quan tâm nhất là đến ngày ra trường, ban đêm phải dùng đèn coi cá có lội nhởn nhơ hay không. Nếu con nào nằm mặt nước thì lập tức phải để riêng. Ban ngày kiểm tra lại coi hiện tượng bị bệnh, nhất là kiểm tra lại miệng cá. Buổi sáng chuẩn bị ra trường chỉ nên cho ăn ít lăng quăng thôi, tránh tình trạng đá độ bị cắn vào bụng sẽ mau suy.

3. Cáp cá

Đây là khâu quan trọng, vì nếu cầm con cá hay mà cáp không kỹ để cá đối phương lớn hơn một chút thì cũng thiệt thòi. Người nuôi cá kỹ thì thân hình con cá mảnh dẻ, luôn cáp độ nhỉnh hơn cá nuôi còn hơi mập, vì hình dáng khi cáp chỉ coi từ trên xuống, nên cá nuôi kỹ hình dáng thẳng nhỏ hơn, nhưng khi thả vô keo cá kỳ vây giương ra lớn hơn. Vì vậy, khi cáp cá nên dựa vào tiêu chuẩn ở cạnh mang là chính xác.

NUÔI TRỐNG GIỐNG

Muốn tuyển cá trống giống, người nuôi cá đá hầu như có mặt thường xuyên ở tụ điểm đá cá, dù có cá nhà ra trường họ không trực tiếp cầm cá cáp độ mà trước đó giao cho một số người thân tín cầm vài con cá hay đi đá ở các trường. Họ chỉ đứng ngoài quan sát các độ cá xem con nào hay, thắng độ bằng thế cắn nào. Dù cá nhà có thắng hay thua cũng biết nguyên nhân để tìm mua giống từ các ổ khác. Có khi còn nài mua nhiều cá trống ăn độ xuất sắc ở trường, về nhà ghi xuât xứ, đòn thế cắn, dưỡng thương, chăm sóc đến lành lặn trở lại phong độ cao nhất, ghép với cá mái gốc ở nhà để sản sinh đàn cá con sau này hay hơn, xuất sắc hơn. Phải nghiên cứu kỹ để nâng giá trị đàn cá nhà bằng cách ép pha đòn.

ÉP PHA ĐÒN

Để ép pha đòn với cá mái gốc của mình, như phần đầu viết về các thế cắn của cá, nuôi quy mô lớn lúc nào cũng có sẵn 3 loại mái cắn kỳ quyết một chỗ: cắn thượng (mắt, mép), cắn trung (cổ, bụng, vây bơi), cắn hạ (đuôi, cạnh đuôi). Còn cá trống nhà chỉ để lại một phần ít cá thắng độ xuất sắc làm trống giống, đem ép với cá mái gốc để giữ truyền thống, nhưng cá nhà phải ép khác hệ, khác ổ vì sợ đồng huyết, đồng tông dù rằng cá thắng độ đó chỉ là hệ cháu chắt của mái gốc.

Có nhiều mùa cá gặp khi “cơn sốt” trống, do đó, người nuôi cá phải mất bao công sức tìm trống hay của các chủ nuôi khác, thậm chí có điều kiện phải mua trống giống từ nước ngoài với giá gấp 5-10 lần cá trong nước để tạo thành các ổ cá vang danh.

ÉP CÁ ĐÁ

Nếu đơn thuần ép cá đá không định hướng thì ép rất dễ, ai cũng có thể ép được: vài cái lu, vài cái khạp lại không khó khăn như ép cá thịt, cá cảnh đòi hỏi ép nhân tạo, nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng muốn ép một bầy cá đạt đẳng cấp cao, nhiều cá con thì trong nhà phải có bầy mái gốc và kỹ thuật nuôi trống mái cho sung, kích dục tối đa.  Ta phải kè trống mái đúng 2 kỳ lên keo, xuống hũ. Sau đó cho cá trống vào hồ đã dọn sẵn. Ổ cá rất đơn giản, chỉ để một nhánh tre nhỏ hoặc nan tre xé miếng lá chuối cỡ 15 phân gác lên cây ngang cách mặt nước 2-3 phân, hoặc một vài tép bèo, lục bình để cá trống đóng bọt. Thả cá trống vào ổ trước, sau đó bỏ cá mái trong keo để vào giữa hồ cho cá trống vờn cá mái và chui vào ổ đóng bọt. Lưu ý nước trong hồ chỉ cao 3 tấc để cá cha hớp trứng phun vô bọt dễ dàng khi 2 con ép nhau và trứng từ cá mái rớt ra. Nên thả cá mái vào với cá trống buổi chiều từ lúc 4-5 giờ để 2 con rượt đuổi nhau khoảng vài giờ thì trời tối. Điều này tránh trường hợp cá trống quá sung cắn cá mái bị thương. Sáng hôm sau thì cá trống ép cá mái đẻ trứng. Độ khoảng 1-2 giờ sau thấy cá trống rượt cá mái chạy thì nhẹ nhàng lấy vợt vớt cá mái ra nuôi tiếp một tháng sau ép bầy em. Thường thì chỉ ép cá mái 2 lần là đủ, đừng ép lứa thứ ba trở đi. Cá mái ép 2 lứa xong thì phế thải, lứa thứ 2 là có thể ép đổi trống này với mái khác trong cùng đợt ép sau, nhưng nhớ ghi sổ tay để sau này đánh giá trống mái nào đẻ con hay hơn, hoặc khỏi lộn hệ, tránh trùng huyết sau này.

Lưu ý: Ép cá đồng loạt càng nhiều ổ cá càng tốt. Như vậy ta có nhiều loại cá đồng tuổi để phân loại.

Hằng năm, từ tháng Mười đến tháng Chạp là mùa lập đông không nên ép cá, vì nước quá lạnh, cá con chết hết. Như vậy ta vẫn nuôi cá trưởng thành để thi đấu dịp Tết kéo dài quanh năm.

 

 

Ảnh scan bản gốc: