Bài viết không rõ tác giả dưới đây được sưu tầm lại. Không biết loại cá trong bài viết này đấu theo luật nào nhưng có vẻ là cá đuôi dài hơn là cá đá xiêm chiến đuôi ngắn. Dù vậy, bài viết có một vài chi tiết khá thú vị nên HiBetta.com vẫn đăng lại.
—
Trước đây mình thích nuôi cá chọi nhưng không đem đi đánh ăn tiền bao giờ, chỉ có bọn thanh niên gần nhà sang xin đem đi đánh, được cái là chưa thua bao giờ.
Giờ mình không còn nuôi cá chọi nữa, úp lên chỉ sợ ảnh hưởng đến vấn đề kiếm ăn của người khác, không úp thì lại sợ kinh nghiệm gần vài năm nuôi cá của mình bị mai một.
Xin nêu cho anh em cách nuôi thôi nhé, chiến thắng khoảng 90%, còn kỹ thuật cắt đôi con cá ra thả vào vãn trề thì mình xin không truyền bá (văn hóa phẩm kinh dị).
Xin nêu vài cảm nhận về cá trước, cá chọi bản tính là máu từ bé, nếu đã thua một lần nó sẽ biết sợ, kích thước + sức khỏe + tuổi đời + bản năng + tập thể thao sẽ tạo ra một chiến binh thật sự, sau đây là cách của mình, nếu có điều gì sai sót anh em cấm chửi nhé.
1. Cách chọn cá
- Mua cá khi vừa tách đực (cái này chỉ dân nhà nghề mới biết con nào là con đực) lúc này còn là cá bột bé tí, mới lên màu nên lựa phải có kỹ thuật;
- Chỉ chọn con nào to nhất, cả bể có khoảng vài ngàn con, con nào to thì mua (cái này phải nịnh chủ nhà, mình thì vừa nịnh vừa trả thêm tiền để phá bể);
- Ưu tiên màu xanh (cái này hơi thuần túy 1 tí) vì con gì cũng phải phù hợp với đặc thù môi trường sống, màu sắc con cá nói rằng nó có zen của tổ tiên sống ở vùng thiên nhiên màu mỡ xanh tốt.
2. Chuẩn bị hồ nuôi
- Đến mấy lò nung bên phù lãng, đặt khoảng 50 cái vại muối dưa đường kính 30cm, cao 65cm, cách miệng vại 15cm đục hàng lỗ tràn nước mưa bằng que kem;
- Cho đất thịt vào vại cho nước vào quấy loãng như súp, dùng giẻ rách (không dùng giẻ lành) nhúng vào dung dịch phết đều lòng vại, để khô 2 hôm rồi bơm đầy nước vào vại ngâm khoảng 1 tuần, sau 1 tuần đổ hết ra súc xả qua loa thôi nhé để cấy rêu;
- Chọn thổ đất không trũng thoáng đãng có ánh sáng mặt trời, chôn 20cm vại cá xuống đất (cái này gọi là tiếp âm rất quan trọng). Nó giữ ổn định nhiệt độ và giảm điện trở trong nước mưa khiến bọn cá không bị điên;
- Nếu ánh nắng quá gay gắt thì làm mái che cho nó, làm cao một tí đi đỡ bị cộc đầu, nếu làm bằng phên nứa thì làm mái nghiêng, vì khi lên mốc nhỏ giọt ranh vào vại cá dễ gây ngộ độc, nếu làm bằng lưới trồng lan thì ngâm lưới trong nước mưa vài ngày cho hết dầu DOP trên lưới rồi hẵng căng, làm sao khi nắng thì che, khi mưa thì tháo cho cá đón nước mưa;
- Xả nước lần đầu tiên vào vại 100% nước mưa mới, khi nào đóng rêu thành vại mới thả cá.
3. Nuôi cá
- Một 1 con trong 1 vại;
- Lấy 1 cái chậu cây bằng gốm đặt nằm ngang dưới đáy vại làm tổ cho cá , bắt cá mỗi lần đớp bọt phải bơi lên 50cm nước;
- Không để cá đói dù 1 ngày, có thực mới vực được đạo;
- Thức ăn chủ yếu là trùn chỉ, thỉnh thoảng lấy cua đồng đập dập chia nhỏ ăn trong ngày (tránh gây thối nước );
- Lá bàng khô ngâm nước 1 tuần lại vớt lên phơi khô, cắt nhỏ bằng bao diêm cho mỗi vại 5,6 miếng, làm thức ăn khô, chủ yếu là điều hòa PH;
- Buộc vài cọng la hán vào nóc tổ cá không cho trùn chỉ làm tổ dưới gốc rong, nếu thấy cá nghỉ trên lá rong thì bỏ rong ra (không tao thói quen xấu cho cá);
- Thay nước 1 tuần một lần bằng cách dùng vòi nước phun thẳng vào chậu tạo dòng xoáy, nước thừa sẽ tự động tràn qua lỗ tràn;
- Kiểm tra khống chế rêu hại trong lòng vại nuôi.
4. Luyện đao
- Nuôi vại khoảng 1 tháng thì ghẹ lọ lần đầu, bắt 1 con vào chai 65 thả cả chai vào vại ghẹ khoảng 10 phút sau giờ ngọ ( làm nhẹ nhàng tránh động nước làm cá hoảng ), ghẹ liền trong vòng 1 tuần , mỗi ngày lần;
- Sau khi ghẹ lọ lần 1 khoảng 2 tuần thì lọc cá , phá vây;
- Khử trùng hồ cá bằng thuốc diệt nấm cho cá, pha 50% so với công thức trong mỗi vại hai ngày sau thì lọc cá;
- Sau giờ ngọ (12 giờ trưa) dùng vợt nhẹ nhàng bắt con ở vại này cho sang vại kia , lúc này nên ngồi xem đòn cá , ưu tiên mấy em viện mắt trung ương , sau đó là răng hàm mặt , mấy em phá vây là hàng thứ phẩm , ghi tên đóng dấu cho em nó;
- Nếu chạy ngay từ đầu thì nuôi tiếp, nếu sau khi lọc 15 phút không chạy thì nuôi tiếp, nếu đánh rồi mà chạy thì cho đánh nhau với gà;
- Tháng tiếp theo chuẩn bị phá vây lần 2, cũng khử nấm như lần 1, lần này khi ghẹ lọ nên kết hợp với phun vòi nước thảng vào vại tạo dòng xoáy như khi thay nước;
- Ghẹ lọ đến ngày thứ 3 thì nghỉ 2 ngày lấy sức, bỏ ăn từ đêm hôm trước chuẩn bị hôm sau phá vây cố định;
- Sau giờ ngọ thả cá vào nhau, để 30 phút vớt ra cắt vây (đoạn này quan trọng nhất nè) dùng kéo bằng sắt (không dùng kéo inox) khử trùng bằng cồn 90 độ để khô ráo;
- Vây buồm giữ lại 60%;
- Vây bụng giữ lại 50%;
- Tuyệt đối không cắt vào calavat;
- Vây đuôi giữ lại 30%;
- hạn chế cắt vào xương cứng của vây;
- Thả lại vại cũ, dùng miếng gương nhỏ cho cá xù vè vài cái là nghỉ;
- Nuôi khoảng tuần nữa thấy vây non mọc ra thì ghẹ lọ vài hôm mỗi lần khoảng 10 phút, sau đó cách 3 ngày ghẹ lọ 1 lần và tăng thêm 10 phút nhưng không nên để quá 1 giờ 20 phút sẽ làm cá mệt;
- Khoảng 4 tháng tuổi cá phá vây lần cuối làm như trên, sau 1 tuần không ghẹ lọ nữa cho cá nghỉ tuyệt đối chờ ngày chiến.
5. Công chiến
- Cá đánh tốt nhất từ tháng thứ 5,5 đến 6,5 tháng tuổi;
- Tuyệt đối không nên đánh đến trân thứ 2 (1 trận là đủ cho những gì nó cống hiến rồi) ;
- Trước khi đánh 2 ngày tiến hành xùy mái;
- Cách xùy mái nên chọn con mái nào trứng già phát dục tốt (mái cũ càng tốt nó đong đưa hơn vì nếm mùi đời rồi) thả vào vại đến khi nào thấy ăn sam rồi thì tách ngay ra chai để bên cạnh;
- Cá đực thấy mất cái bơi lung tung kệ nó nhé;
- Trước khi đánh vớt ra chai cho hai con nhìn nhau khoảng 5 phút là tách ra dùng dấy đen bọc đến cổ chai và lên đường.
Lời nhắn
Vấn đề đu ping là ma giáo nên tôi không truyền bá mong anh em thông cảm, nếu anh nào làm theo cách của tôi thì trước khi khai lộ dàn cá nên vào chùa dâng vài nén hương cho bớt đi chút sát nghiệp, tôi xin cảm ơn trước.
(Sưu tầm)