Nếu bạn nuôi cá chọi cho vui, chủ yếu nuôi để ngắm như cá cảnh hoặc cho chọi ở nhà chứ không mang đi thi đấu thường xuyên (ví dụ: 1 lần/tuần) thì bạn được coi là người chơi không chuyên. Thỉnh thoảng Hi Betta có tặng cá miễn phí cho các bạn mới chơi. Cá tặng là những con cá đã đánh thắng 1-2 trận. Dưới đây là hướng dẫn cách nuôi cá dành cho những người không chuyên hoặc mới chơi. Nếu bạn là người chơi chuyên nghiệp, bạn có thể đăng ký khóa học phù hợp tại đây: https://hibetta.com/dich-vu/

Trước khi mang cá về

Mỗi con cá chọi chiến cần ít nhất 5 lít nước. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị cho mỗi con cá một lọ hay hũ đựng được 10-20 lít nước để đảm bảo cá khỏe và sống được lâu. Nhiều người mua cá chọi thấy cá được để trong cái lọ bé xíu (không quá 1 lít) ở cửa hàng cứ tưởng cá chỉ cần lọ như vậy là đủ. Sự thật là ở các hàng bán cá chọi cần phải trưng bày càng nhiều càng tốt trong một diện tích giới hạn. Con cá sống trong không gian chật hẹp quá lâu ngày sẽ bị xuống phong độ và yếu dần.

Chú ý: Cá chọi đạt tuổi trưởng thành ở 8-9 tháng tuổi, bắt đầu coi là già khi đạt 15 tháng tuổi. Tuổi thọ của cá chọi có thể lên tới 3 năm nhưng thông thường nuôi ở điều kiện trong nhà thì được 2 năm là đã thành công.

Có thể chọn bể kính, can dầu ăn đã dùng hết rửa sạch hoặc hũ/keo nhựa có thể tích 10-20 lít để đựng cá.

Nước cho cá chọi nên là nước máy sạch đã cho bay hết clo. Để làm bay hết clo trong nước máy, chỉ cần cho nước phơi 2-3 ngày là được. Nếu để ra ngoài trời dưới trời nắng hoặc dùng sục khí thì clo bay càng nhanh. Tuy nhiên, nước sạch đã bay hết clo mới chỉ đạt được 3 sao. Để đạt được môi trường sống như khách sạn 5 sao cho cá thì cần có thêm:

  • Rong hoặc bèo: Rong đuôi chó, bèo lục bình, bèo tấm, bèo Nhật… đều tốt cho cá. Nó giúp làm sạch nước và tăng oxy trong nước (khi có ánh sáng) cho cá.
  • Lá bàng khô hoặc lá chuối khô (dùng 1 loại lá hoặc đồng thời cả 2 loại lá đều được): Đây là các loại lá giúp cân bằng pH trong nước, làm nước mềm ra, làm chậm quá trình phát triển của các loại vi khuẩn độc hại, đồng thời giúp cá săn chắc khỏe mạnh. Chú ý: dùng lá bàng già tự rụng hoặc lá chuối già khô trên cây sau đó phơi khô, không dùng lá xanh. Liều lượng dùng vừa đủ để nước lên màu hơi  ngả vàng là được, không nên đậm đặc quá. Nếu đậm quá có thể làm cá bị tóp lại. Lá phai hết màu sau ~2-3 ngày và sẽ chìm xuống đáy.
  • Muối hột (muối biển): Muối tăng khoáng trong nước giúp cá khỏe. Nên dùng muối hột là muối biển thông thường, không nên dùng muối ăn (muối tinh) đã được chế biến và thêm nhiều chất khác ngoài muối. Liều lượng: 1 thìa cà phê muối hột/10 lít nước.

Ngoài ra, nếu bạn muốn lâu phải thay nước hoặc thậm chí không cần thay nước trong vài tháng thì cho thêm đất (đất sét trắng càng tốt) hoặc phân nền (mua ở tiệm cá) ở đáy, sẽ giúp rong bèo phát triển tốt, làm nước luôn sạch.

Sau khi mang cá về

Cho mỗi con cá vào một nơi riêng biệt (thể tích ~10-20 lít như đã nói ở trên), che xung quanh lại để cá không nhìn thấy nhau, chỉ cho ánh sáng chủ yếu từ trên xuống. Nên để cá ở nơi có ánh sáng tự nhiên ban ngày và tối vào ban đêm.

Chú ý: Nếu sau khi thả cá 1-2 ngày vào nước mới mà thấy cá nhả bọt thì con cá đó khỏe, rất tốt bạn nhé. Bọt đó không phải nước bẩn.

Thức ăn cho cá

Có thể cho cá ăn một trong những thức ăn sau:

  • Sâu đỏ (hay còn gọi là “trùng huyết”, tiếng Anh là bloodworm): tốt
  • Giun: tạm ổn nhưng không tốt lắm vì giun lấy từ rãnh rác thải thường bẩn, nhiều nguy cơ bệnh và làm cá bị béo
  • Lăng quăng (bọ gậy): rất tốt cho cá chọi chiến nhưng hơi khó tìm nếu bạn ở Hà Nội, mỗi lần cho cá ăn 10-20 con lăng quăng tùy kích thước cá
  • Thịt bò hoặc gà sống, nạc, bỏ gân (nếu có), xay nhuyễn: rất tốt và sạch nhưng nên cho ăn vừa phải vì lâu tiêu hơn (cho cá ăn 1-2 viên bằng hạt đỗ đen thấy bụng hơi phình lên một ít là dừng)
  • Tôm bóc vỏ: tốt

Chú ý: Cho cá ăn vào ngày tập (1 lần/ngày). Ngày nghỉ cho cá nhịn hoặc ăn ít. Cá có thể chết vì nước bẩn hoặc stress nhưng không chết vì đói. Một con cá trong tình trạng tốt có thể nhịn cả tuần mà không chết. Cần biết quan sát. Cá đang béo hoặc bụng còn thức ăn thì có thể không cần cho ăn thêm. Ngược lại, cá gầy đói thì cho ăn nhiều lên một chút. Cho cá ăn quá nhiều trong 1 lần hoặc cho cá ăn nhiều liên tục vài ngày có thể làm cá không tiêu hóa được hoặc sình bụng chết.

Mẹo hay: Với thức ăn sống như thịt bò, gà, lợn xay nhuyễn thì khi thả vào nước có thể tạo nên một lớp váng bẩn, làm ô nhiễm nước. Khi có rong, bèo trong nước thì sẽ làm giảm đáng kể ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nước được sạch hơn nữa và lâu phải thay thì có thể dùng vợt lưới vớt cá ra một ca nước, thả thức ăn vào ca nước cho cá ăn, sau đó lại vớt cá thả vào chỗ cũ. Như vậy, váng bẩn sẽ chỉ có ở ca nước hoặc nếu dính vào cá một ít cũng không đáng kể. Lưu ý vớt từng con và cho ăn từng con lần lượt. Không vớt nhiều cá vào ca cùng lúc, chúng sẽ đánh nhau.

Tập thể dục thể thao cho cá

Cho cá nghỉ 3 ngày, sau đó tập thể thao 3 ngày, nghỉ 3 ngày, tập thể thao 3 ngày… cứ thế luân phiên nhau.

Trong ngày cá nghỉ, không cho cá nhìn thấy nhau, không để gương gần bể/lọ/hũ cá.

Trong ngày tập, để 2 lọ cách nhau ~5-8 cm, cho cá nhìn nhau ~10 phút, sau đó che lại ~2-3 phút, rồi lại cho cá nhìn nhau ~10 phút… luân phiên nhau. Làm như vậy trong khoảng 1 tiếng rồi che lại và kết thúc buổi tập. Tập 1 lượt buổi sáng và 1 lượt buổi chiều, nếu bận thì trong ngày tập làm 1 lần thôi nhưng lâu hơn 1 tiếng cũng được.

Ghi chú:

  • Cá nhìn thấy nhau sẽ xù mang, căng vây dọa nhau. Việc này làm cá tốn năng lượng và có tác dụng như bài tập thể dục.
  • Để các lọ cách nhau ~5-8 cm là để hạn chế cá cắn vào thành lọ hại răng, hại mồm. Nếu để lọ sát vào nhau, cá sẽ lao vào nhau và cắn vào thành lọ.

Chúc các bạn nuôi cá khỏe!