Còn có tên là cá chọi Xiêm, cá betta là vật nuôi làm cảnh rất được ưa chuộng. Loài cá này dễ chăm sóc, và trong môi trường thích hợp, chúng có thể sống được nhiều năm. Cá betta ngoài thiên nhiên trung bình sống được hai năm, nhưng trong môi trường nuôi nhốt và được chăm sóc tốt, chúng có thể sống được bốn năm hoặc hơn.

 

  

Phần 1. Chọn Cá

1. Chọn một chú cá khỏe mạnh
Bạn nên mua cá ở cửa hàng hoặc người bán nào chăm sóc tốt cho cá. Đôi khi bạn sẽ khó biết được tình trạng của cá trước khi mua. Có thể bạn không biết nó bao nhiêu tuổi hoặc có mang bệnh gì không. Cá betta trong tiệm cá cảnh có thể bị căng thẳng, bệnh tật và sống trong môi trường kém vệ sinh. Những yếu tố này có thể góp phần khiến cá chết sớm.
  • Cá khỏe mạnh sẽ năng động hơn những con không khỏe.
  • Chú ý các dấu hiệu tổn thương trên cơ thể cá.
  • Tìm các đốm bạc màu có thể là dấu hiệu của bệnh. Lưu ý rằng một số giống cá betta có đốm tự nhiên.
2. Mua cá betta xanh
Lý do là vì thức ăn phổ biến cho cá betta có chứa các hợp chất làm cho cá betta đỏ càng đỏ thêm, nhưng chúng lại có tác dụng tăng khả năng phòng chống bệnh ở cá betta xanh. Các hợp chất này gọi là carotenoid (màu cam như màu cà rốt), có tác dụng gia tăng các sắc tố cam, đỏ và vàng ở cá betta. Cá betta xanh được tăng cường hệ miễn dịch thay vì gia tăng sắc tố đỏ. Những con cá betta cái còn có vẻ thích cá betta đực xanh hơn các con cá đực khác khi chúng tiêu thụ các chất tăng cường sắc tố này.

3. Chọn cá còn non
Nhiều người không biết tuổi của cá khi mua. Bạn có rủi ro mua phải cá đã già, và như vậy thì thời gian bạn sở hữu chú cá sẽ giảm đi. Nếu chọn được cá còn non, nhiều khả năng bạn có thể nuôi chú cá được lâu hơn. Tuy không phải là tất cả, nhưng cá nhỏ hơn thường là cá non hơn. Khi cá betta lớn tuổi hơn, vây cá sẽ dài ra và thân mình chúng cũng to hơn. Mặc dù cá betta có kích thước khác nhau, nhưng bạn sẽ có khả năng cao mua được cá trẻ nếu chọn những con có kích thước nhỏ hơn. Nếu muốn chắc chắn mua được cá còn trẻ, bạn nên liên hệ với người gây giống cá.
Tuy nhiên cũng cần chú ý là cá còn quá non cũng không tốt. Chúng dễ bị sốc hơn khi được thả vào môi trường khác.

4. Kiểm tra nước trong bể cá
Quan sát xem nước trong bể có bẩn không. Chú ý xem có nhiều thức ăn còn lại trong bể không, vì điều này cho thấy là cá được cho ăn quá nhiều hoặc chúng không ăn. Những dấu hiệu trên cho biết là cá không được chăm sóc tốt, do đó tuổi thọ của cá có thể bị rút ngắn.
5. Quan sát những con cá khác
Dù chú cá mà bạn chọn trông có vẻ khỏe mạnh thì cũng không có nghĩa là nó không bị nhiễm bệnh vì nước nuôi cá trong cửa hàng. Cá có thể bị lây bệnh từ những con cá khác nếu chúng được nuôi chung trong cùng một bể. Nếu những con cá khác trong bể dường như không khỏe mạnh thì chú cá bạn chọn cũng có thể không khỏe.
6. Không thả hai con cá vào cùng một bể

Mặc dù bạn có thể nuôi nhiều cá betta chung một bể, nhưng mỗi con lại có cá tính khác nhau đôi chút. Để đảm bảo an toàn cho cá betta, bạn chỉ nên nuôi riêng một chú cá betta trong bể, trừ khi bạn đã tìm hiểu kỹ.

 

 

Phần 2. Lắp đặt bể cá

1. Chọn bể cá có kích thước phù hợp
Mặc dù nhiều người khẳng định rằng cá betta vẫn sống vui vẻ trong những vũng nước rất nhỏ, thực ra loài cá này thích vùng nước sâu 30- 60 cm, tương tự các ruộng lúa mà chúng thường sống ngoài tự nhiên. Bạn nên chọn bể cá có dung tích tối thiểu 8 lít để cá betta có đủ không gian bơi lội thoái mái. Nói chung, bể cá nhỏ hơn 8 lít là không đủ rộng.

2. Trồng cây thủy sinh

Cây thủy sinh là yếu tố rất tuyệt vời trong bể cá. Nhiều người chọn cây giả vì dễ bảo dưỡng, nhưng cây thật có thể cải thiện chất lượng nước trong bể nhờ tác dụng lọc nước và tăng cường ô xy, mặc dù chúng cần được chăm sóc nhiều hơn. Dù là chọn cây giả hoặc cây thật, điều quan trọng là bạn phải tránh những cây quá cứng hoặc có bề mặt sắc. Những cây này có thể làm tổn thương vây cá vốn khá mỏng manh. Sau đây là một số loại cây an toàn cho cá betta.

  • Cây lụa
  • Cây dương xỉ Java
  • Cây rêu Christmas
3. Cho nước sạch vào bể
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lắp đặt bể cá. Nước máy chảy trực tiếp vào bể có thể giết chết cá. Các hóa chất như chlorine và fluoxetine cũng như nhiều hóa chất khác có trong nước máy rất độc hại đối với cá. Chúng có thể gây hại đáng kể cho cá betta và giảm tuổi thọ của cá. Bạn cần phải mua dung dịch điều chỉnh nước để châm vào nước hồ trước khi thả cá vào. Có thể bạn cần chờ cho nước lắng vài ngày để có đủ ô xy hòa tan cho cá thở.

4. Làm ấm nước trong bể cá

Nước chảy ra từ vòi thường không có nhiệt độ thích hợp cho cá. Vì là loài cá bản địa của vùng Đông Nam Á, cá betta thích sống trong nước ấm áp. Nhiệt độ lý tưởng trong bể cá là trong khoảng 22-26,5 độ C. Có thể bạn cần mua máy sưởi và nhiệt kế để tạo môi trường cho cá sống khỏe mạnh.

  • Nước ấm sẽ khiến chú cá của bạn năng động hơn và duy trì sức khỏe tổng thể của cá.
  • Cá có thể chết nếu nước quá lạnh.
  • Khi mới lắp đặt bể cá, bạn sẽ cần sưởi ấm nước trước và duy trì trong 1 hoặc 2 ngày trước khi thả cá vào.
  • Ngoài ra, khi thả cá vào bể, bạn cần nhớ rằng nước trong bể phải có nhiệt độ tương đương với nước mà cá đang sống. Bạn có thể thả túi nước đựng cá hoặc hộp đựng cá vào bể cho đến khi nước có nhiệt độ bằng nước trong bể. Như vậy cá sẽ không bị sốc vì thay đổi nhiệt độ đột ngột vốn có thể giết chết cá.
5. Chọn “bạn tốt” cho cá betta

 

Bạn không thể nuôi cá betta chung với bất kỳ con cá nào vì chúng có bản tính hung hăng. Hai chú cá betta đực trong bể có thể đánh nhau đến chết. Cá betta cái có thể sống chung với nhau nhưng cũng có thể làm tổn thương nhau. Nhiều người chọn cách nuôi cá betta trong từng bể riêng, nhưng nếu bạn muốn nuôi cá betta chung với những con cá khác một cách hòa thuận thì phải chọn loài cá thích hợp như:

  • Cá neon tetra (sống theo đàn)
  • Cá lau kính bristlenose plecostomus
  • Cá thủy tinh

 

Phần 3. Chăm sóc hàng ngày

1. Lên lịch chăm sóc cá theo thông lệ
Nếu không được chăm sóc hàng ngày, cá của bạn sẽ chết sớm. Đừng quên rằng cá không thể báo cho bạn biết khi chúng đói hoặc khi nước bị bẩn. Để tăng tối đa tuổi thọ cho cá, bạn cần phải chăm sóc cá thường xuyên. Bằng cách tạo thành thông lệ, bạn sẽ duy trì được công việc này.

2. Cho cá ăn đúng cách

Bạn cần cho cá ăn đều đặn và chọn thức ăn phù hợp với cá của bạn. Nhiều cửa hàng có bán thức ăn dành riêng cho cá betta, nhưng ngay cả khi đó bạn vẫn nên kiểm tra thành phần thức ăn. Tránh các loại thức ăn có thành phần chủ yếu là bột cá.

  • Nhiều cá betta không thích thức ăn cá dạng mảnh.
  • Thức ăn viên dành riêng cho cá betta có bán ở hầu hết các cửa hàng cá cảnh.
  • Thức ăn đông lạnh hoặc sấy thăng hoa như trùn huyết hoặc tôm nước mặn là thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho thức ăn viên của cá betta.
  • Cho cá ăn thức ăn sống nếu có thể. Nghiên cứu đã chứng minh rằng các thức ăn công thức như thức ăn khô mua ở cửa hàng sẽ có tác động đáng kể đến sức khỏe của cá betta khi chiếm quá 25% chế độ ăn. Ít có cá betta nào được ưu tiên để lúc nào cũng được ăn thức ăn sống. Mặc dù có thể đắt và tốn thời gian, thức ăn sống rất có lợi cho sức khỏe của cá betta.
  • Mua thiết bị cho cá ăn tự động khi bạn vắng nhà nhiều ngày để cá không bị chết đói.
3. Làm sạch nước
Thỉnh thoảng, bạn cần thay nước bể cá. Việc này tùy thuộc vào kích thước của bể cũng như bể cá có bộ lọc hay không và có cây thủy sinh sống trong bể không. Bạn có thể mua bộ thử để kiểm tra nước. Như vậy cá sẽ được đảm bảo sống trong môi trường nước sạch và lành mạnh để kéo dài tuổi thọ.
4. Làm vệ sinh bể cá

Rong rêu có thể sinh sôi trên thành bể, và bạn cần phải làm sạch để đảm bảo chất lượng nước và để ngắm cá rõ hơn. Cát hoặc đá trang trí dưới đáy bể cũng cần phải làm sạch và thỉnh thoảng phải thay mới. Chất thải tích tụ dưới đáy bể có thể khiến cá bị bệnh và giết chết cá. Bộ lọc nước có thể giúp ích, nhưng ngay cả khi có sử dụng máy lọc nước, bạn vẫn cần hút chất thải dưới đáy bể.

  • Mua ống xi-phông để hút chất thải và nước trong bể vào xô.
  • Mua bộ nam châm lau kính bể cá hoặc bàn chải cọ bể cá có tay cầm dài để bạn không bị ướt khi làm sạch rong rêu.
  • Không dùng xà phòng để rửa bể cá. Bạn chỉ cần cọ rửa kỹ (không dùng hóa chất hoặc xà phòng) là đủ làm sạch bể cá.
5. Chơi với cá

Do biểu hiện hung hăng điển hình của cá betta, nhiều người thích dùng gương để dụ cá phùng mang trước gương. Tuy rằng điều này có thể khiến cá có thể bị căng thẳng, nhưng nếu bạn chỉ thỉnh thoảng mới chơi như vậy thì cũng không hại gì cho cá. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù những con cá betta thắng cuộc trong các cuộc chiến tiêu thụ nhiều ô xy hơn, nhưng biểu hiện này không gây hậu quả nào đáng kể. Việc cho cá betta soi gương có thể giúp cá vận động và bớt hung hăng với những con cá khác.

 

  

Phần 4. Xử lý các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá

1. Kiểm tra các dấu hiệu bệnh ở cá. Đôi khi bạn dễ dàng nhận biết tình trạng của cá chỉ bằng cách quan sát chúng. Thỉnh thoảng bạn hãy dành thời gian kiểm tra kỹ để đảm bảo cá có vẻ khỏe mạnh. Như vậy bạn sẽ tránh phải nhìn thấy cá của mình bị bệnh. Một số dấu hiệu của cá cần quan sát bao gồm:

  • Chán ăn
  • Cọ mình vào đá hoặc cây trong bể
  • Nằm dưới đáy bể
  • Bơi ngửa hoặc nghiêng
  • Phân trắng
  • Bạc màu
  • Xuất hiện các đốm trắng
2. Lấy mẫu nước. Các mẫu nước có thể được phân tích bằng bộ thử tại nhà mua trên mạng hoặc tại các tiệm cá cảnh. Bạn cũng có thể đem mẫu nước đến tiệm cá cảnh để nhờ chuyên gia kiểm tra. Phân tích nước là một trong những cách tốt nhất để xác định bản chất các bệnh của cá. Nó có thể cho bạn biết sự mất cân bằng trong nước và gây ra các vấn đề về sức khỏe của cá.
3. Duy trì nước trong bể ở nhiệt độ 26,5 độ
Nếu nước quá lạnh, cá của bạn có thể nhiễm bệnh. 26,5 độ C là nhiệt độ tối ưu cho cá betta và có thể phòng chống nhiều loại bệnh. Yếu tố này có thể giúp làm chậm chu kỳ của một số bệnh như đốm trắng, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của cá.
4. Làm sạch nước và bể cá
Không có gì lạ, nếu cá của bạn bị bệnh thì rất có thể nước trong bể cũng đã nhiễm mầm bệnh. Bạn cần chú ý làm sạch nước, rửa sỏi và cọ rửa thành bể khi cá bị bệnh. Đừng dùng xà phòng, vì các chất tẩy rửa cũng có thể giết chết cá.
5. Cách ly cá betta khỏi những con cá khác bị bệnh hoặc có thể làm tổn thương chúng

Cũng như mọi loài vật khác, cá không những có thể bị thương hoặc làm những con cá khác bị thương, chúng còn lây nhiễm bệnh cho nhau. Trong trường hợp này, việc cách ly cá là điều quan trọng. Có thể bạn cần chuẩn bị sẵn một bể cách ly nhỏ.

 

Cảnh báo

Bạn đừng dùng đá hoặc vỏ sò không mua tại tiệm cá cảnh cho vào bể, vì điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước và giết chết cá.